“Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 27/12/2011 đang bước vào giai đoạn nước rút. Các đơn vị, nhà đài đang cùng nhau “tăng tốc” trong việc thực hiện số hóa truyền hình.
Việc chuyển đổi truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất là xu hướng tất yếu, được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc số hóa là con đường đúng đắn để nâng cao chất lượng truyền hình và tiết kiệm tài nguyên số quốc gia.
Theo đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, 80% hộ gia đình có tivi trên cả nước xem được truyền hình số, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55% các phương thức. Phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020 phải đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình; Phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư…
Cũng theo đề án này, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.
Kế hoạch triển khai đề án chia các tỉnh thành thực hiện ra làm bốn nhóm khu vực và thời gian thực hiện gồm bốn giai đoạn. Theo lộ trình, giai đoạn 1 từ năm 2012-2015, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất toàn quốc và khu vực phải hoàn thành việc xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các thành phố thuộc nhóm I (gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ).
Trước ngày 31-12-2015, các đài truyền hình trung ương và địa phương kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình analog mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các thành phố thuộc nhóm I.
Để đẩy nhanh hơn việc thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn và phát sóng truyền hình của Chính phủ, đồng thời để hỗ trợ người dân, ông Nguyễn Thành Đông, đại diện của Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) cho biết: "SCTV sẽ tiên phong thực hiện số hóa truyền hình tại 05 thành phố trực thuộc trung ương như: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM. Theo đó, từ ngày 1/6/2013 SCTV áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt: trang bị cho mượn đầu thu KTS trên toàn quốc (trừ địa bàn TP.HCM)".
Trước xu thế số hóa truyền hình đại diện của SCTV cho biết: "Bên cạnh việc phát triển Truyền hình cáp Analog với hơn 70 kênh truyền hình phong phú trong và ngoài nước, SCTV đã triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số với 133 kênh, trong đó có 25 kênh chuẩn HD và đặc biệt Truyền hình kỹ thuật số của SCTV được truyền trên mạng truyền hình cáp hữu tuyến của SCTV nên không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết như các công nghệ truyền dẫn khác".
Đáng chú ý là khoảng 60% số lượng kênh truyền hình SCTV cung cấp là kênh "thuần Việt", tức được sản xuất tại Việt Nam, có nội dung về Việt Nam và phục vụ khán giả Việt Nam. SCTV hiện cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số với 133 kênh, trong đó có 25 kênh chuẩn HD (đặc biệt có 15 kênh HD do SCTV đầu tư thực hiện có nội dung hoàn toàn khác biệt với nội dung trên analog) và kể từ ngày 09/04/2013 kênh VTV3HD đã có mặt trên kỹ thuật số SCTV.
Từ 1/6/2013, SCTV sẽ áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt cho khách hàng khi chính thức triển khai trang bị cho mượn đầu thu truyền hình kỹ thuật số HD và SD, áp dụng trên phạm vi toàn quốc trừ TP.HCM.