Việt Nam chỉ có 79.000 thuê bao
truyền hình trả tiền năm 2003 thì đến nay đã có hơn 3,7 triệu, mang lại
doanh thu khoảng 53.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng sẽ lên 20-25% vào 2015.
Theo con số ước
tính của Báo cáo cạnh tranh 2012 do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công
thương) thực hiện, tổng doanh thu của toàn thị trường truyền hình trả
tiền trong nước đạt gần 2 tỷ USD năm 2011 và tăng lên 2,5 tỷ USD vào
2012 (tương đương 53.000 tỷ đồng). Nguồn thu này có được chủ yếu từ
quảng cáo, khoảng 850 triệu USD trong năm 2011 và hơn 1 tỷ USD vào năm
ngoái.
Triển vọng phát triển thị trường truyền hình trả tiền ở
Việt Nam là rất lớn. Trong tổng số 20 triệu thuê bao truyền hình, Việt
Nam mới chỉ đạt 3,7 triệu thuê bao trả tiền, chiếm 13,5%. So với các
nước châu Á từ 40 - 60% thì tỷ lệ này tương đối thấp.
Do đó, khoảng trống thị trường còn rộng và tỷ lệ này
dự báo tăng trưởng lên 20 - 25% vào năm 2015. Đặc biệt, thị trường nông
thôn còn bỏ ngỏ.
Theo Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh,
truyền hình đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, thì đến
năm 2020 sẽ hoàn toàn chuyển sang sử dụng công nghệ số. Số hóa truyền
hình đồng nghĩa với việc dịch chuyển từ truyền hình quảng bá sang hình
thức trả tiền.
Chỉ trong vòng 2 năm, số lượng các kênh truyền hình
được phát trên sóng truyền hình trả tiền của VCTV (Truyền hình cáp Việt
Nam), SCTV (Truyền hình cáp Saigontourist), HTVC (Truyền hình cáp TP
HCM), VTC tăng gấp đôi.
"Nhưng chất lượng và nội dung của các kênh trong nước
hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu người xem", báo cáo trên khẳng định.
Trong khoảng 100 kênh truyền hình hiện có trên mạng truyền hình trả
tiền, có tới hơn 70% là các kênh nước ngoài.
Chưa hết, rất nhiều nội dung trên các kênh truyền hình
trong nước được lấy lại từ nội dung của các kênh nước ngoài. Thêm vào
đó là chất lượng hình ảnh, chất lượng sóng kém, nhất là truyền hình cáp.
Trong năm 2012, Viettel, AVG (An Viên), FPT và có thể sắp tới là VNPT
tham gia vào lĩnh vực này.