Chiều 5/11, 39 thí sinh Vòng Chung khảo khu vực phía Nam tới thăm nhà lưu niệm của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu tại tỉnh Bạc Liêu, và học hát bản nhạc cổ nổi tiếng "Dạ cổ hoài lang" của ông.
Với mục đích đưa nét văn hóa dân tộc vào Vòng Chung khảo khu vực phía Nam, Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh đã sắp xếp để các thí sinh thăm khu nhà lưu niệm của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cũng như học hát giai điệu nổi tiếng của bài vọng cổ trứ danh.
|
Thí sinh chụp ảnh trong khu nhà lưu niệm cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu. |
Đón tiếp 39 thí sinh, ông Ngọc Ẩn – Chủ nhiệm câu lạc bộ tài tử tỉnh Bạc Liêu, đã giới thiệu qua cho các thí sinh về lịch sử và truyền thống của vọng cổ, giúp các thí sinh hiểu, nắm bắt những kiến thức cơ bản về cách hát, ngắt nhịp, luyến láy của vọng cổ.
39 thí sinh được chia thành nhiều tốp, mỗi tốp được các nghệ sĩ trẻ của đoàn cải lương Cao Văn Lầu hướng dẫn cách hát sao cho đúng nhịp, giai điệu.
Dạ cổ hoài lang là bài vọng cổ rất nổi tiếng, hầu như thí sinh từng một lần nghe qua, tuy nhiên để hát cho đúng thì không phải ai cũng làm được.
Chính vì vậy, các bạn thí sinh đã phải rất chăm chú để có thể học lời và giai điệu. Một số thí sinh tự tin được giao lĩnh xướng, một số bạn khi được đề nghị hát mẫu thử, vẫn còn e dè, sợ mình hát chưa đúng.
Nhưng, điều bất ngờ là chỉ trong khoảng thời gian ngắn một tiếng đồng hồ, với những hướng dẫn cơ bản của nghệ sĩ, các thí sinh đã trình diễn khá hoàn chỉnh 20 câu trong bài vọng cổ "Dạ cổ hoài lang".
|
Với những hoạt động thú vị này, các thí sinh được tiếp xúc âm nhạc cổ truyền của dân tộc, qua đó hiểu và yêu mến hơn quê hương, cũng như nuôi dưỡng tâm hồn mình. |
Nhiều thí sinh từ các vùng miền khác nhau đã tỏ ra vô cùng thích thú khi lần đầu được hát vọng cổ trước mặt các nghệ sĩ đờn ca nổi tiếng. Tuy đôi chỗ còn sự gượng gạo, nhưng các thí sinh đà làm hài lòng hầu hết các nghệ sĩ, với sự tiếp thu nhanh.
Dù thời gian khá ngắn ngủi nhưng các thí sinh đã có một buổi học vô cùng ý nghĩa, hiểu hơn về đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật nức tiếng của đất và người Bạc Liêu, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Qua những hoạt động ý nghĩa như thế này, các thí sinh sẽ thấm đượm hơn văn hóa và tình người, tình đất Bạc Liêu, để có thể tỏa sáng hơn trên sân khấu đêm chung khảo khu vực phía Nam, được dàn dựng đậm nét văn hóa truyền thống của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo Hoa Hậu Tiền Phong