Vòng chung khảo khu vực phía nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2014 vừa khép lại tại Bạc Liêu, đêm 9/11. 20 cô gái đẹp nhất khu vực phía nam sẽ cùng với 20 thí sinh khu vực phía bắc có mặt tại vòng Chung kết diễn ra tại đảo Ngọc, Phú Quốc, từ 23-11 đến 6-12.
|
20 thí sinh khu vực phía nam được chọn vào Vòng chung kết HHVN 2014 tại Phú Quốc |
Chung khảo HHVN 2014 là cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc gia, lần đầu tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu. Nhưng xét về mặt lịch sử, đây là cuộc thi thứ hai, vì gần 90 năm trước (1927), ông Trần Trinh Huy, người được gọi là “Công tử Bạc Liêu”, đã từng tổ chức một cuộc thi hoa hậu vùng ĐBSCL (hồi ấy gọi là cuộc “Đấu xảo sắc đẹp”). Bạc Liêu cũng là quê hương của đương kim HHVN 2012 Đặng Thu Thảo.
Thời gian này, ở Bạc Liêu, đang là mùa gió chướng, ngày mưa nhiều hơn ngày nắng nhưng những hoạt động của cuộc thi vẫn diễn ra hân hoan, sôi nổi. Băng rôn, biểu ngữ giăng khắp các ngả đường. Đi đâu cũng nghe nói“chuyện hoa hậu”. Trong khu nghỉ dưỡng Hồ Nam – khu du lịch sinh thái lớn nhất vùng ĐBSCL, nơi thí sinh ở và tập luyện, các lái xe trẻ đã tình nguyện làm thêm ca để được phục vụ và... chiêm ngưỡng người đẹp.
Suốt thời gian diễn ra cuộc thi, các thí sinh, những cô gái trẻ đến từ mọi miền đất nước đã có nhiều trải nghiệm khó quên khi được đi thăm Khu đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới anh hùng, Quảng trường Hùng Vương nơi có cây đờn kìm khổng lồ được ghi vào kỷ lục Ghi-nét, Đài tưởng niệm liệt sĩ trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tập hát đờn ca tài tử, thăm nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà máy điện gió, Khu biển nhân tạo đầu tiên tại ĐBSCL...
|
"Dạ cổ hoài lang" của nhạc sĩ Cao Văn Lầu mở màn đêm chung khảo khu vực phía nam. |
Là cái nôi của đờn ca tài tử, loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với phương châm “Bạc Liêu đi lên từ văn hóa” của lãnh đạo tỉnh và nhân dân địa phương, những năm gần đây, tại Bạc Liêu diễn ra nhiều hoạt động văn hóa.
Đêm chung khảo, công chúng Bạc Liêu, đặc biệt là các bạn trẻ tập trung đông nghẹt. Một vùng rộng rãi, trống trải lần đầu bị kẹt xe. Cảnh sát và lực lượng bảo vệ đã phải đứng thành hàng nắm chặt tay nhau giữ trật tự. Gần 3.000 ghế ngồi trong nhà thi đấu đa năng, nơi tổ chức cuộc thi, đã không còn chỗ trống.
Phông sân khấu mô phỏng Nhà hát Cao Văn Lầu, gọi theo dân gian là“Nhà hát Ba nón lá” được đánh giá là sáng tạo của những người dàn dựng chương trình, đã đưa được một trong những hình ảnh văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu.
Mở màn đêm chung khảo, làn điệu đờn ca tài tử ngợi ca những người đi mở đất và bài ca“Dạ cổ hoài lang”của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, do nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Ngân thể hiện đã đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc về miền đất, nơi của những con người phóng khoáng, hào sảng mà đậm sâu nghĩa tình.
39 thí sinh, trong đó có những thí sinh là người dân tộc Kinh, Ê-đê, Khơ-me, Hoa... đã cùng nhau làm nên một đêm ngập tràn hương sắc.
Màn thi áo tắm.
Theo thông lệ, các thí sinh trình diễn phần thi áo dài, áo tắm và trang phục dạ hội. Nếu áo dài mang đến dự duyên dáng, e ấp thì áo tắm thể hiện sự tự tin, khỏe đẹp; còn màn trang phục dạ hội cho công chúng thấy được “gu”thẩm mỹ tinh tế của các người đẹp. Đánh giá nhan sắc là một quá trình và các thí sinh đa phần là sinh viên đã trưởng thành từng ngày thông qua quá trình tập luyện nghiêm túc.
Truyền hình trực tiếp cũng là một thách thức không nhỏ với Ban tổ chức, khi với nhiều thí sinh, đây là lần đầu xuất hiện trước công chúng. Thế nhưng, chỉ trong thời gian luyện tập không dài, các thí sinh đã thể hiện sự duyên dáng, tự tin và bản lĩnh sân khấu khiến chúng ta nghĩ đến một thế hệ thanh niên mới trưởng thành, sở hữu đầy đủ điều kiện hội nhập với tuổi trẻ và nhan sắc trên các đấu trường thế giới.
|
Các thí sinh trong phần thi áo tắm. |
Với chiều cao và nhan sắc khá đồng đều, các thí sinh khu vực phía nam đã“làm khó” Ban giám khảo, khi phải chọn ra 20 người đẹp nhất từ những người đẹp.
Cuối cùng, 20 thí sinh hội đủ điều kiện nhất đã được xướng danh. TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Đồng Nai, Kiên Giang... là những địa phương có tỷ lệ thí sinh lọt vào vòng chung kết cao nhất. Trên sân khấu xuất hiện những nụ cười và những giọt nước mắt. Nụ cười của thành công và trải nghiệm. Nước mắt của niềm vui, sự sẻ chia và những thách thức mới ở phía trước mà mỗi người phải tiếp tục vượt qua.
Ca khúc “Đường đến ngày vinh quang” do ca sĩ Trần Lập thể hiện đã khép lại đêm chung khảo khu vực phía nam, cuộc thi HHVN 2014, một đêm thăng hoa và nhiều cảm xúc tại Bạc Liêu.
Theo Báo Nhân Dân