Sáng 3/11, tại TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 họp báo, công bố Vòng Chung khảo khu vực phía Nam sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 9/11 tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Theo Ban tổ chức, chương trình sẽ đậm nét văn hóa Đồng bằng Sông Cửu Long.
|
Ban tổ chức và khách mời tham dự họp báo sáng 3/11. |
Mở đầu họp báo, Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, chào mừng các vị khách quý, các nhà báo đến dự họp báo hôm nay.
Theo Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, sau khi các vòng sơ loại, sơ khảo và chung khảo Khu vực phía Bắc kết thúc, Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 tiếp tục tiến hành các vòng thi ở khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).
Từ rất nhiều hồ sơ đăng ký dự thi, vòng sơ loại, Ban tổ chức chọn 130 thí sinh tham dự vòng sơ khảo ngày 2/11/2014 tại Tòa nhà HD Bank, TP Hồ Chí Minh. 40 thí sinh xuất sắc nhất đã lọt vào Vòng chung khảo khu vực phía Nam, tổ chức từ ngày 4 đến 9/11/2014 tại TP Bạc Liêu.
|
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 phát biểu mở đầu họp báo sáng 3/11 |
Về lý do chọn Bạc Liêu là nơi tổ chức Vòng Chung khảo khu vực phía Nam, Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Nhà báo Lê Xuân Sơn cho biết: Bạc Liêu, với truyền thống văn hóa lâu đời, là cái nôi của đờn ca tài tử, loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bạc Liêu cũng là tỉnh, trong những năm gần đây, đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ, năng động. Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú ý và phát huy vai trò của văn hóa trong việc phát huy tiềm năm, thế mạnh của của phương trong phát triển và đã ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện vòng thi chung khảo.
Đó là lý do khiến năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 26 năm của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, vòng chung khảo được tổ chức tại một địa phương cách xa hai thành phố trung tâm lớn là Hà Nội và TP HCM. Bằng việc chọn Bạc Liêu, Ban tổ chức cuộc thi đồng tình và ủng hộ phương châm phát triển của lãnh đạo và nhân dân địa phương: Bạc Liêu đi lên từ văn hóa – ông Lê Xuân Sơn nói.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Chí Thiện - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bạc Liêu phát biểu về công tác phối hợp tổ chức và chuẩn bị cho Vòng Chung khảo phía Nam.
Ông Thiện cho biết, đây là cơ hội để Bạc Liêu phát triển văn hóa, du lịch. Thông qua Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Bạc Liêu có cơ hội giới thiệu về truyền thống cách mạng, văn hóa, quảng bá về tiềm năng thế mạnh du lịch ở vùng đất cực Nam của tổ quốc.
Thông qua đó, chúng tôi mong bạn bè gần xa biết đến cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Bạc Liêu cũng là nơi sản sinh ra bài Dạ cổ hoài lang, là quê hương của công tử Bạc Liêu. Bạc Liêu cũng là quê hương của đương kim hoa hậu Đặng Thu Thảo - ông Thiện nói.
Cũng theo ông Thiện, tỉnh Bạc Liêu đã chuẩn bị chu đáo nhất mọi cơ sở vật chất để phối hợp tổ chức thành công Vòng Chung khảo khu vực phía Nam.
Có mặt tại cuộc họp báo, vị khách mời đặc biệt - Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam - đã chia sẻ về giá trị nghệ thuật của Đờn ca tài tử - nét văn hóa sẽ được tôn vinh trong Vòng Chung khảo khu vực phía Nam, sẽ diễn ra tại Bạc Liêu.
|
Vị khách mời đặc biệt tham dự buổi họp báo - Giáo sư Trần Văn Khê |
Giáo sư Trần Văn Khê cho biết, không phải chờ đến khi UNESCO tôn vinh thì Đờn ca mới được công nhận, mà đã có giá trị và sức sống lâu đời.
UNESCO chỉ xác nhậc một giá trị đã có mà thôi.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng rất vui mừng khi năm nay Bạc Liêu tổ chức thành công Liên hoan Đờn ca tài tử đầu tiên, và giờ là Vòng chung khảo khu vực phía Nam Hoa hậu Việt Nam 2014.
Giáo sư Trần Văn Khê nói, các thí sinh hoa hậu, nếu cô nào cũng biết qua về đờn ca tài tử thì thật là tuyệt vời!
Nóng lòng chờ đợi.
Đương kim Hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo cho biết tại họp báo, "không chỉ Thu Thảo mà nhiều người đang rất chờ đợi cuộc thi và Hoa hậu Việt Nam 2014".
Thảo rất hy vọng Ban tổ chức sẽ tìm ra gương mặt tài sắc vẹn toàn, xứng đáng trở thành hoa hậu và đảm đương vai trò quan trọng này, thể hiện được vẻ đẹp của người con gái Việt Nam, không chỉ ở trong nước, mà còn trên thế giới.
Năm nay, cuộc thi có sự góp mặt của Bạc Liêu – quê hương của Thảo, và rất vinh hạnh khi Bạc Liêu trở thành nơi đăng cai Vòng Chung khảo phía Nam.
"Hy vọng tình người, tình đất Bạc Liêu sẽ khiến Ban tổ chức, cũng như quý vị và các thí sinh hài lòng. Cho phép Thu Thảo gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban tổ chức, các nhà tài trợ luôn ủng hộ cuộc thi và chúc cuộc thi thành công thật rực rỡ. Các thí sinh sẽ tỏa sáng tại cuộc thi năm nay" - Hoa hậu Đặng Thu Thảo nói.
|
Đương kim Hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo (bên trái) và Hoa hậu Trần Thị Thùy Dung tại họp báo sáng 3/11.
Đậm nét truyền thống văn hóa. |
Theo Ban tổ chức, Vòng Chung khảo Hoa hậu Việt Nam khu vực phía Nam sẽ có những hoạt động hướng về văn hóa truyền thống của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, như thăm khu di tích Cao Văn Lầu và làm quen với nghệ thuật Đờn ca tài tử, tập hát bài "Dạ cổ hoài lang" và các bản vọng cổ khác.
Thí sinh sẽ thăm các địa chỉ lịch sử nổi tiếng của Bạc Liêu, như Đền Thờ Bác Hồ (được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lập trong những năm chiến tranh); Cụm di tích Đài Liệt sĩ và Đài Liệt sĩ Mậu Thân; nhiều hoạt động giới thiệu quảng bá cho các địa chỉ văn hóa danh thắng Quảng trường Hùng Vương với tượng đài Cây Đàn Kìm và Nhà hát Ba Nón Lá; Công trình Điện Gió Bạc Liêu, Khu Du lịch Hồ Nam, Khu Biển nhân tạo, Vườn nhãn cổ, Nhà Công Tử Bạc Liêu…
Ban tổ chức và thí sinh sẽ làm công tác đền ơn đáp nghĩa và xã hội - từ thiện với kinh phí 100 triệu đồng.
Đêm chung khảo khu vực dài hai tiếng rưỡi được dàn dựng công phu, diễn ra lúc 20h, Chủ nhật, 9/11, tại Nhà thi đấu đa năng có khán đài 3.500 chỗ ngồi của tỉnh Bạc Liêu.
Chương trình sẽ khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống và hiện đại của Bạc Liêu, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, cũng như cả nước (sân khấu, trang phục, chất liệu âm nhạc một số phần), với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Theo Đạo diễn Hoàng Nhật Nam (đạo diễn chương trình đêm Chung khảo phía Bắc), với sự đầu tư của Ban tổ chức, sân khấu sẽ được thiết kế với biểu tượng của nón lá - chứa đựng sự tảo tần nắng mưa của người phụ nữ. Sân khấu sẽ dễ dàng phô diễn nét văn hóa truyền thống của đất và người phương Nam.
|
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam bật mí về chương trình đêm Chung khảo phía Nam |
Phần hai của đêm chung khảo mang màu sắc trẻ trung, hiện đại sự phát triển của phương Nam với dàn nghệ sĩ Khánh Thi, Thủy Tiên, Trần Lập, NSƯT Thanh Ngân và Đan Trường.
Để giúp các thí sinh có thêm các kỹ năng thể hiện những nét đẹp của bản thân và trình diễn, BTC mời e kíp của diễn viên – đạo diễn catwalk Minh Tiệp, công ty MTS. Chương trình sử dụng áo dài Ngô Nhật Huy, trang phục dạ hội Hoàng Hải, Sơn Collection, giày Senta, áo tắm Xuân Thu.
Dàn dựng chương trình là đạo diễn Hoàng Nhật Nam. Đơn vị phối hợp thực hiện chương trình: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu và Công ty Sen Vàng TP HCM.
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV9, SCTV 4 và SCTV 7, các đài truyền hình Bạc Liêu, Vĩnh Long 2 và gần 10 đài truyền hình khác trong khu vực.
Theo Báo Tiền Phong