Nhà báo Huỳnh Mai Hương, Phó Trưởng Ban Thiếu nhi, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh - thành viên BGK của LHTHTQ đã có nhiều chia sẻ về việc sản xuất các chương trình dành cho thiếu nhi hiện nay.
|
Nhà báo Huỳnh Mai Hương |
Hoàn thành công tác chấm thi trong LHTHTQ lần thứ 34, chị có đánh giá thế nào về các tác phẩm dự thi năm nay?
Năm nay, thể loại Thiếu nhi có 40 tác phẩm đăng ký dự thi, BGK chúng tôi đã có hai vòng chấm thi để có thể chọn ra được những tác phẩm nổi trội nhất. Có thể thấy, các tác phẩm năm nay đa dạng và phong phú hơn, với nhiều thể loại như ca nhạc, sân khấu, phóng sự...
Sau mỗi năm, mặt bằng các tác phẩm nhìn chung đã được nâng lên, không có tác phẩm nào quá yếu, chất lượng cũng đã xích gần với nhau hơn, đề tài được chọn kỹ lưỡng, nội dung mang tính giáo dục cao kết hợp với giải trí, mang đến cho thiếu nhi cả nước những món ăn tinh thần bổ ích.
Trong quá trình chấm thi, BGK cũng ghi nhận nỗ lực bộ phận sản xuất chương trình thiếu nhi các Đài, tuy nhiên vẫn lộ ra nhiều sự lúng túng trong cách sản xuất các chương trình thiếu nhi.
Về hạn chế thì đã tồn tại trong nhiều năm nay, đó là chất thiếu nhi cần tăng cường hơn nữa, vì hiện nay tâm sinh lý các em thiếu nhi đã thay đổi, việc tìm tòi để có sự sáng tạo trong cách thể hiện là điều vô cùng quan trọng. Các tác phẩm thay đổi làm sao để các em có sự thích thú, cảm thấy hấp dẫn, đó không chỉ ở khía cạnh nội dung, mà còn ở cách thể hiện, ý tưởng sáng tạo.
Có những tác phẩm của nhiều đài, BGK cũng thấy chưa thực sự đầu tư cho thể loại thiếu nhi, vì nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Cái Đài địa phương thì thể loại phóng sự thường tốt hơn, còn những thể loại mang tính giải trí cao như là sân khấu, ca nhạc, thì các Đài Trung Ương dường như vẫn đang chiếm ưu thế.
Theo chị, hiện nay các chương trình thiếu nhi đang gặp phải những thách thức gì khi thời đại công nghệ số đang phát triển chóng mặt?
Có thể nhận thấy đấy là một xu thế giải trí của giới trẻ nói chung và trong đó có cả thiếu nhi. Nhiệm vụ và trách nhiệm của những người làm chương trình thiếu nhi là làm sao vẫn tiếp tục đưa các chương trình thiếu nhi đến với các em.
Hiện tại, các chương trình thiếu nhi trên sóng truyền hình gặp nhiều khó khăn, như hạn chế về khung giờ vì các em không có thời gian thoải mái để xem và cũng không còn phù hợp với cuộc sống và học tập. Thách thức đặt ra với chúng tôi - những người sản xuất chương trình thiếu nhi là làm sao vừa duy trì, vừa tiếp tục đổi mới các chương trình về cả nội dung và thể hiện, để những chương trình truyền hình thực sự hay, hấp dẫn và buộc các em phải dành sự quan tâm cho các chương trình đó.
Chị nhận thấy các chương trình thiếu nhi của nước ngoài có điều gì mà chúng ta đang thiếu?
Đó là sự sáng tạo, mới mẻ trong cách thể hiện. Đây chính vấn đề lớn của những người làm công tác truyền hình cho thiếu nhi. Thực tế, làm chương trình thiếu nhi rất khó, thậm chí khó hơn cho người lớn, chính vì vậy, luôn luôn đổi mới là nhu cầu bắt buộc cho các chương trình thiếu nhi. Chương trình thiếu nhi ở một số quốc gia đạt được hiệu quả rất tốt, và chúng ta còn rất xa để đạt được đến trình độ họ làm. Họ chọn lọc rất kỹ những người làm công tác biên tập nội dung, được đào tạo bài bản, nắm bắt đúng nhu cầu thưởng thức cho thiếu nhi ở xu thế thời đại bây giờ. Thực sự những chương trình đó người lớn xem còn thích vì hài hòa các yếu tố giải trí, giáo dục, nhân văn.
Vậy, yếu tố con người phải chăng là điều kiện tiên quyết?
Đúng như vậy. Bởi vì với hạ tầng kỹ thuật hiện nay, chưa thể nói hoàn toàn có thể đáp ứng hết được ý tưởng, nhưng cũng đã đáp ứng được tương đối ổn và đầy đủ ý tưởng biên tập đưa ra. Nhưng vấn đề ở đây là chúng ta nghĩ cái gì, chúng ta đã nắm bắt được tâm lý của các em hay chưa, hiểu được ý muốn, nhu cầu thưởng thức giải trí của các em đến đâu để chúng ta lồng ghép vào đó, làm sao cho sự giáo dục được tự nhiên, nhẹ nhàng thì tất cả đều phụ thuộc vào con người.
Chúng tôi, những người công tác trong lĩnh vực sản xuất các chương trình thiếu nhi, đều hy vọng rằng các chương trình thiếu nhi thực sự được các em đón nhận. Để làm được điều đó, đầu tiên là sự nỗ lực hết sức, nâng cao không ngừng năng lực sản xuất chương trình và thứ hai là sự quan tâm hơn nữa của các Đài dành cho các chương trình thiếu nhi, như về giờ phát sóng, đầu tư nguồn lực, nhân lực, để các em thực sự có chương trình hay dành cho mình.
Xin cảm ơn chị về cuộc phỏng vấn!
Theo VTV