Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chỉ đạo các kênh truyền thông, bao gồm: báo chí, truyền hình, phát thanh, truyền thanh cơ sở, banron, tờ rơi, tin nhắn điện thoại, diễn đàn mạng xã hội phải cùng kết hợp để truyền thông hỗ trợ người dân chuyển đổi sang số hóa truyền hình.
Chỉ còn 12 ngày nữa, tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ ngắt sóng 3 kênh truyền hình analog VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1, tại thời điểm này việc tuyên truyền hướng dẫn người dân cách thức mua và sử dụng thiết bị thu truyền hình số DVB-T2 để không bị gián đoạn thu xem truyền hình được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch triển khai số hóa truyền hình.
|
Phải tập trung tuyên truyền hỗ trợ người dân chuyển sang dùng truyền hình số. |
Tại phiên họp sáng 18/6/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chỉ đạo công tác tuyên truyền để hỗ trợ người dân ở 5 thành phố lớn chuyển đổi sang số hóa truyền hình là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2015. Theo đó, phải chú trọng tuyên truyền hỗ trợ người dân chuyển sang dùng truyền hình số, thông tin tuyên truyền phải tập trung vào 4 nội dung:
-Phải thông tin trên các kênh truyền thông báo chí, truyền hình, phát thanh, truyền thanh cơ sở, banron, tờ rơi, tin nhắn điện thoại về thời điểm tắt sóng analog tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam theo phương án mới từ 1/7/2015, tại 4 thành phố từ 1/1/2016. Trong đó, đặt trọng tâm là tuyên truyền trên truyền hình, phát thanh và truyền thanh cơ sở. Đồng thời, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết Cục Viễn thông phải chỉ đạo 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone nhắn tin tới tất cả các thuê bao di động ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam về phương án ngắt sóng mới tới khu vực này, chậm nhất là ngày 26/6/2015 phải đồng loạt nhắn tin.
-Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông phải cung cấp thông tin về vùng phủ sóng tại từng khu vực tới người dân, ở khu vực nào đã thu được sóng DVB-T2, thu được bao nhiêu kênh, những đài nào phát, số lượng các kênh thu được.
-Một nhiệm vụ trọng tâm khác là phải hướng dẫn người dân thông tin về cách chọn mua thiết bị, các chủng loại thiết bị nào đã đạt chuẩn, người dân ở khu vực đó mua thiết bị ở đâu, giá cả, chủng loại anten, hướng dẫn cách lắp đặt đầu thu và anten. Cục Viễn thông và Cục Tần số Vô tuyến điện phải tập hợp một cơ sở dữ liệu về các loại đầu thu DVB-T2 đã được công bố hợp quy để người dân biết lựa chọn mua. Tránh tình trạng người dân mua phải hàng lậu, hàng giả, hàng không đạt chuẩn dẫn đến thu xem chất lượng không tốt lại đánh giá nhầm về chất lượng truyền hình số.
-Các thông tin về vùng phủ sóng và chủng loại thiết bị thu truyền hình số đạt tiêu chuẩn phải được công bố kịp thời trên chuyên trang số hóa truyền hình của Bộ TT&TT (tại địa chỉ mic.gov.vn/shtt), trên báo chí, trên các diễn đàn về số hóa truyền hình.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng chỉ đạo, trong khi chưa xây dựng xong Cổng thông tin về số hóa truyền hình và tổng đài hỗ trợ trên toàn quốc, trước mắt cần tập hợp các thông tin mới nhất về số hóa truyền hình trên Chuyên trang số hóa truyền hình (tại địa chỉ mic.gov.vn/shtt). Đồng thời nghiên cứu để sử dụng tạm thời tổng đài 19009496 và đầu số 1022 của Đà Nẵng để giải đáp thông tin số hóa cho người dân ở 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ ngay từ thời điểm này đến hết năm 2015.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng thẳng thắn chỉ ra tồn tại lớn nhất trong công tác tuyên truyền về số hóa truyền hình thời gian qua là Chuyên trang về số hóa truyền hình trong thời gian qua đã chậm cập nhật thông tin, chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, giải đáp cho người dân. Thứ trưởng nhấn mạnh, Trung tâm Thông tin của Bộ sẽ phải tập trung tổng hợp tất cả các vấn đề liên quan tới lộ trình số hóa truyền hình lên chuyên trang trong thời gian sớm nhất. Đồng thời phải cập nhật các thắc mắc của người dân về số hóa và có trách nhiệm giải đáp kịp thời mọi phản ánh của người dân.
Đồng thời, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo để xây dựng trang sohoatruyenhinh.vn trở thành Cổng thông tin chính thức về số hóa truyền hình hoạt động từ đầu năm 2016.
Nguồn: ICTnews